Rối loạn nhịp tim ở trẻ là một trong những rối loạn nhịp thường gặp, phát hiện chủ yếu qua thăm khám và kết quả ghi của điện tâm đồ. Nhưng trong nhiều trường hợp, khi bố mẹ đưa bé đến khám thì cơn nhịp nhanh đã đi qua. Đây là một thách thức lớn trong việc chẩn đoán chính xác bệnh. Không chỉ tại Việt Nam, mà ngay cả Mỹ - nơi có nền y học phát triển nhất thế giới, vẫn tồn tại những trường hợp rối loạn nhịp tim không phát hiện được cho dù trước đó đã từng được thăm khám. Đôi khi trẻ còn bị chẩn đoán nhầm với chứng bệnh khác, trong đó có cả những trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh động kinh.

1.    Khi nào xảy ra rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim ở trẻ có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác

Rối loạn nhịp tim ở trẻ có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác

Rối loạn nhịp tim có thể là kết quả của một tổn thương tại tim như viêm cơ tim, khuyết tật tim bẩm sinh, hoặc có thể chỉ là một đáp ứng sinh lý của cơ thể với các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sốt, nhiễm trùng, và một số thuốc điều trị. Ngay cả khi trẻ khóc hay nô đùa cũng có thể làm thay đổi nhịp tim trong một thời gian ngắn.
Hầu hết các rối loạn nhịp tim là vô hại, nhưng một số có thể nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Nếu trái tim của trẻ đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), hoặc quá chậm (nhịp tim chậm), nó có thể ảnh hưởng đến khả năng của tim bơm máu và gây tổn hại đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, thận, não.

2.    Làm sao để các bà mẹ nhận biết trẻ bị loạn nhịp tim

Nếu con bạn bị rối loạn nhịp tim, bạn khó có thể thấy nhịp đập của tim quá nhanh hay quá chậm, hoặc nó bị bỏ qua một nhịp hoặc có nhịp đập đôi.
Nhịp tim được đo bằng cách đếm số nhịp đập mỗi phút. Nhịp tim bình thường ở người lớn khi nghỉ ngơi thường từ 70 – 80 nhịp/mỗi phút. Ở trẻ, nhịp tim khác nhau ở mỗi lứa tuổi:
-    Trẻ sơ sinh (sơ sinh đến 3 tháng tuổi): 100-150 nhịp đập mỗi phút
-    Trẻ em từ 1-3 tuổi: 70-110 nhịp mỗi phút
-    Trẻ em 12 tuổi: 55-85 nhịp mỗi phút
Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định chính xác tình trạng rối loạn nhịp tim của con bạn là nhanh bất thường hay nhịp chậm.
Tuy nhiên, với các bà mẹ luôn gần gũi và theo sát sức khỏe của con, bạn dễ dàng nhận thức được các triệu chứng rối loạn nhịp, nó phụ thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của con bạn.
Trẻ lớn hơn có thể cho bạn biết về cảm giác lâng lâng hoặc cảm thấy hồi hôp, khó chịu trong tim của mình hoặc cảm giác hẫng hụt, kèm theo đau tức ngực, khó thở hay mệt mỏi mà bé gặp phải.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp nhanh thường không đặc hiệu. Bạn có thể nhận thấy những thay đổi như đổ mồ hôi nhiều, da lạnh và xanh, bé lười bú mẹ hoặc không chịu ăn uống, quấy khóc, thở nhanh, ngủ nhiều nhưng không sâu giấc, dễ tỉnh. Nhưng có một dấu hiệu nhận biết quan trong nhất ở trẻ nhỏ bị nhịp tim nhanh là khi sờ vào ngực trái của bé, thấy tim đập nhanh và rất mạnh.

3.    Chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhanh như thế nào?

Các bác sĩ sẽ bắt đầu với bạn bằng những câu hỏi liên quan đến quá trình phát triển của bệnh, bao gồm cả các triệu chứng mà bạn phát hiện và quyết định đưa con đi khám. Các thử nghiệm gắng sức có thể cũng được làm, cùng với các xét nghiệm máu để loại trừ rối loạn nhịp nhanh do thuốc và nhiễm trùng. Sau đó, các bác sĩ có thể cho con bạn làm thử nghiệm được gọi điện tâm đồ (ECG), trong đó ghi lại nhịp tim, để xem nhịp tim của con bạn có đập bình thường hay không?
Nếu con của bạn có các triệu chứng của rối loạn nhịp tim, nhưng ở thời điểm ECG không phát hiện được, các bác sĩ có thể đặt một thiết bị để ghi lại nhịp tim của con bạn trong suốt 24 giờ hoặc lâu hơn nữa để có thể chẩn đoán chính xác và không để sót bệnh.
Trong trường hợp bé thường xuyên bị ngất bất thường, các bác sỹ có thể phải sử dụng thiết bị để kiểm tra bằng cách luồn thiết bị qua mạch máu dưới da đi đến tim, để tìm điểm kích thích gây rối loạn nhịp bất thường.

4.    Khi nào chứng loạn nhịp tim cần điều trị?

Loạn nhịp tim nhanh ở trẻ có thể điều trị khỏi hoàn toàn
Loạn nhịp tim nhanh ở trẻ có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Trong nhiều trường hợp, rối loạn nhịp tim ở trẻ em là vô hại không cần phải điều trị. Đó là khi nhịp tim nhanh để đáp ứng với tình trạng sinh lý của cơ thể, trong trường hợp trẻ vận động thể lực, khi trẻ bị sốt cao hay lúc lo lắng, giận dữ.
Tuy nhiên, khi chứng loạn nhịp xuất hiện thường xuyên, trong một thời gian dài trong những điều kiện bình thường, kể cả khi trẻ nghỉ ngơi, thì đó là tình trạng bệnh lý và trẻ cần nhanh chóng được thăm khám và điều trị.
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân của rối loạn nhịp tim, các bác sỹ sẽ lựa chọn những loại hình điều trị phù hợp với mỗi trẻ.
Lựa chọn điều trị bao gồm:
-    Điều trị nội khoa: Nhiều loạn nhịp đáp ứng thuốc và không cần điều trị với các phương pháp khác. Tuy nhiên, thuốc điều trị loạn nhịp có tác dụng phụ và có khi chính nó lại là nguyên nhân gây loạn nhịp. Vì thế, việc sử dụng thuốc cần phải được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sỹ chuyên khoa tim mạch.
-    Sử dụng sóng cao tần: Thủ thuật này liên quan đến việc thông tim và sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để triệt đốt điểm phát nhịp. Điều này thường được sử dụng để chữa trị nhiều hình thức của nhịp tim nhanh.
-    Sốc điện - Đây là một thủ thuật trong đó dùng một dòng điện một chiều chạy qua cơ tim để chuyển đổi nhịp tim không đều nhanh chóng chở về nhịp điệu bình thường.
-    Các thiết bị cấy ghép:
Máy tạo nhịp tim - Đây là những thiết bị nhỏ, được đặt ngay dưới da, sử dụng xung điện để điều khiển nhịp tim bất thường (nhịp nhanh, nhịp chậm, rung nhĩ)
Cấy ghép máy khử rung tim (ICD) - Các thiết bị này cũng được đặt dưới da. Máy tự động tạo ra những cú sốc điện khi nhịp tim bất thường để giúp kiểm soát chứng loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.
-    Phẫu thuật Maze: thường được sử dụng để điều trị chứng rung tâm nhĩ. Trong phẫu thuật này, các bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra nhiều đường rạch ở hai tâm nhĩ để ngăn chặn các xung động điện gây rung nhĩ.

Hầu hết các rối loạn nhịp tim ở trẻ em là vô hại và không dẫn đến các vấn đề sức khỏe đáng kể trong tương lai. Thậm chí có nhiều trẻ bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng đã được điều trị thành công. Vì thế, bạn đừng qúa lo lắng khi con bạn không may bị mắc chứng bệnh này.

Tại viện Nhi Trung ương, từ năm 2012 đã ứng dụng thành công phương pháp đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim gây rối loạn nhịp nhanh bằng sóng radio cao tần. Phương pháp này được đánh giá có độ an toàn cao, điều trị triệt để đến 95% các trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh và các trường hợp rối loạn nhịp nguy hiểm, ít biến chứng và tiết kiệm được thời gian, chi phí so với điều trị nội khoa.

Ds Minh Phương

Nguồn:
http://kidshealth.org/parent/medical/heart/arrhythmias.html#
http://vov.vn/suc-khoe/nhi-khoa/dieu-tri-nhip-tim-nhanh-o-tre-nho-386612.vov