Khi bị nhịp tim nhanh, bạn đừng quá lo lắng vì cho rằng mình đã mắc bệnh tim, vì nhịp tim có thể nhanh hoặc chậm tùy theo nhu cầu oxy của cơ thể. Trong nhiều trường hợp nhịp tim nhanh là do tổn thương thực thể tại tim, nhưng có khi chỉ là rối loạn chức năng thần kinh thực vật chịu trách nhiệm điều tiết nhip tim và trong một số trường hợp lại là hậu quả của chất kích thích hay yếu tố tâm lý gây ra.
Vì lẽ đó, khi bị nhịp tim nhanh các bác sỹ sẽ phải xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến cấu trúc tim, các bệnh toàn thân khác và cả yếu tố tâm lý, để xem rối loạn nhịp tim của bạn có có cần thiết phải điều trị hay chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp.
Nhịp tim nhanh khi nào gọi là bình thường
Ở người trưởng thành, tim đập từ 60 đến 80 lần/phút, dao động tuỳ theo tuổi và giới tính. Nhịp tim của phụ nữ thường nhanh hơn nam giới, ở người trẻ nhanh hơn ở người già. Nhưng đôi khi nhịp tim có thể tăng lên trên 100 lần/phút vẫn được xem là bình thường ở những trường hợp sau đây:
- Nhịp nhanh sinh lý:
Những khi lo lắng, có việc đột ngột, bất ngờ, trước khi phỏng vấn hay phát biểu trước đám đông… thì tim thường đập nhanh hơn, co bóp mạnh khiến chúng ta cảm nhận rõ được nhịp đập của tim, thậm chí là cả “tiếng động” mà nó phát ra, kèm theo cảm giác hồi hộp. Tuy nhiên các biểu hiện này sẽ mất đi sau khi chúng ta bình tĩnh trở lại hoặc đã quên được cảm giác sợ hãi lúc ban đầu. Đây được gọi là nhịp tim nhanh do sinh lý nên không cần phải điều trị. Lời khuyên lúc này là nên thả lỏng cơ thể, thư giãn tâm lý, và tập hít sâu thở chậm vài phút, nhịp tim sẽ dần trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, khi chúng ta chạy, hoặc làm việc nặng thì nhịp tim cũng tăng lên, thậm chí có thể tới 150 nhịp/phút nhưng vẫn được gọi là nhịp tim nhanh sinh lý. Nguyên nhân là do khi vận động, cơ thể cần một lượng lớn oxy cho cơ bắp hoạt động nên tim phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu đó. Sau khi nghỉ ngơi trong khoảng 0.5-1 h, nhịp tim sẽ dần trở lại bình thường.
Khi chạy, nhịp tim có thể lên tới 150 lần/phút
- Nhịp tim nhanh tức thời do chất kích thích:
Đôi khi sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, hút thuốc lá hay uống cà phê cũng làm xuất hiện nhịp tim nhanh, trống ngực và cảm giác choáng váng ở một số người. Nguyên nhân là do các chất kích thích trên tác động lên hệ thần kinh tim làm tăng nhịp tim. Vì vậy, những người này cần ngưng sử dụng chất kích thích để nhịp tim trở lại bình thường.
- Tim đập nhanh ở phụ nữ mang thai:
Nguyên nhân do cơ thể cần nhiều oxy hơn để cung cấp cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, các bà mẹ đang mang thai không nên quá lo lắng khi tim đập nhanh hơn, lời khuyên lúc này là nên nghỉ ngơi, thư giãn và không suy nghĩ hay lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai nhưng có tiền sử bệnh tim mạch, nếu tim đập nhanh bất thường cùng với biểu hiện đau tức ngực, khó thở, choáng... thì nên sớm đi khám sản khoa và tim mạch để được theo dõi và có hướng điều trị thích hợp.
Nhịp tim nhanh khi nào cần điều trị?
Tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp nếu tự xuất hiện và tự biến mất sẽ được xem là bình thường và không cần điều trị. Nhưng nếu nhịp nhanh thường xuyên hoặc xảy ra khi mắc các bệnh khác như cường giáp, lupus ban đỏ, nhiễm trùng, tiêu chảy, đặc biệt là nhịp tim nhanh ở những người đang mắc bất cứ bệnh tim mạch nào khác như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn mỡ máu, suy tim, sau biến cố tim mạch… đều cần được điều trị để tránh biến chứng xảy ra. Những dấu hiệu sau đây nếu xuất hiện cùng với nhịp tim nhanh, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm:
- Đánh trống ngực:
Nhịp tim đập loạn xạ, cảm giác được tiếng tim “thình thịch” trong lồng ngực, người bên cạnh có thể nghe được tiếng tim đập.
- Biểu hiện ngoại tâm thu:
Cảm giác hụt hẫng trong lồng ngực hay tim bỏ nhịp là dấu hiệu của ngoại tâm thu, tình trạng này diễn ra thường xuyên cùng với nhịp tim nhanh là dấu hiệu đáng lo ngại cho trái tim của bạn.
- Đau thắt ngực:
Do cơ tim không được cung cấp đủ máu. Cơn đau thắt ngực như bóp nghẹt ở ngực trái kéo dài trên 2 phút và có thể diễn ra thường xuyên.
- Khó thở:
Khó khăn khi thở, hơi thở nhanh nông, nhịp thở cách quãng xuất hiện trong thời gian ngắn kèm theo đau ngực, choáng váng.
- Choáng váng:
Nhịp tim nhanh kèm theo cảm giác choáng váng hay chóng mặt khi đi lại là dấu hiệu của bệnh tim mạch hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị như thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp…
- Ngất:
Rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý mạch vành… có thể gây ra ngất. Cần cấp cứu người bệnh bị ngất tại chỗ trước khi chuyển họ tới bệnh viện.
- Tím tái:
Nguyên nhân là do tim hoạt động nhiều nhưng không cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Tím tái thường xuất hiện ở đầu ngón tay và quanh môi.
- Triệu chứng khác:
Mất tỉnh táo, đau đầu, hạ huyết áp, yếu cơ đột ngột…
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp tim đập nhanh đều là bệnh tim. Chúng ta cần căn cứ vào nguyên nhân, thời gian, tần suất xuất hiện và các biểu hiện kèm theo để dự đoán tình trạng rối loạn nhịp tim của mình là sinh lý hay bệnh lý, nhằm tìm được hướng điều trị hiệu quả, phù hợp nhất.
Minh Anh
Trích nguồn:
http://www.medicalnewstoday.com/articles/175241.php
http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/Arrhythmia/AboutArrhythmia/About-Arrhythmia_UCM_002010_Article.jsp
Thông tin cho bạn:
TPCN Ninh Tâm Vương – Giúp ổn định nhịp đập trái tim Ninh Tâm Vương chứa Khổ sâm, Taurine, L-carnitine cùng với các thảo dược quý, là giải pháp phù hợp cho các trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu: Công ty Đông Tây, số 19A/126 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội Sản phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh |