Bạn có biết? Những nhát đập nhịp nhàng của tim có được chính là nhờ sự phát nhịp chính xác và đều đặn từ nút xoang.

Tim chia làm 4 ngăn, 2 tâm nhĩ ở trên, 2 tâm thất ở dưới, bao quanh các buồng tim là các sợi cơ tim được nối với nhau thông qua hệ thống điện tim. Nút xoang nằm ở cơ tâm nhĩ, vị trí tĩnh mạch chủ trên đổ vào tâm nhĩ phải. Nút xoang có khả năng tự phát xung động để kích thích cơ tim co bóp. Nó đóng vai trò như một nhạc trưởng, phát xung điện đều đặn vào khoảng 60-100 lần/phút để dẫn nhịp cho cơ tim làm nhiệm vụ co bóp, hút máu giàu CO2 về tim và bơm máu giàu O2 và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Nút xoang chịu sự chi phối của của hệ thống thần kinh thực vật bao gồm thần kinh giao cảm làm tim đập nhanh và phó giao cảm làm tim đập chậm.

Rối loạn nhịp xoang là gì?

Nút xoang được xem như một máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể, do đó chỉ một giây phát sai nhịp của nó cũng làm cả quả tim loạn nhịp theo. Tình trạng này được gọi là hội chứng nút xoang, rối loạn nhịp xoang hay rối loạn chức năng nút xoang. Một người có hội chứng nút xoang có thể có nhịp tim quá nhanh, quá chậm, ngắt quãng bởi những khoảng dừng lâu - hoặc kết hợp luân phiên của tất cả các vấn đề trên. Rối loạn nhịp xoang có tỉ lệ mắc tương đối phổ biến, và nguy cơ phát triển bệnh tăng theo độ tuổi. Nhiều trường hợp bị rối loạn chức năng nút xoang trong thời gian dài nhưng không được điều trị dứt điểm phải đặt máy tạo nhịp tim để thiết lập lại nhịp đều đặn cho tim.

Triệu chứng của rối loạn nhịp xoang

Hầu hết những người bị rối loạn chức năng nhịp xoang ban đầu có ít hoặc không có triệu chứng. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây :
-    Triệu chứng não: khó chịu, tâm trạng không ổn định, hay quên, chóng mặt, nói lắp, té ngã và ngất.
-    Triệu chứng tim: đánh trống ngực, đau thắt ngực, triệu chứng suy tim sung huyết, và đột tử do tim (hiếm hơn).
-    Triệu chứng tiêu hóa: không rõ rệt, có thể có biểu hiện tiểu ít.
-    Ở người bệnh nhịp tim nhanh có thể xuất hiện triệu chứng của cơn đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ thoáng qua.
-    Mệt mỏi.
-    Khó thở có hoặc không có đánh trống ngực.
-    Ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ lớn: có thể có biểu hiện bú kém hoặc dễ mệt mỏi.

 Ngất có thể là dấu hiệu của cơn rối loạn nhịp xoang

Ngất có thể là dấu hiệu của cơn rối loạn nhịp xoang

Nguyên nhân của các triệu chứng trên có thể do giảm lưu lượng máu đến não khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm. Vì thế, nếu bạn hoặc người thân có biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi, khó thở hay tim đập nhanh thì nên sớm đi khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác vấn đề đang gặp phải, bởi đó có thể là rối loạn nhịp xoang.

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp xoang

Mặc dù nguyên nhân chính xác tình trạng rối loạn chức năng nhịp xoang là không rõ ràng, nhưng hầu hết các trường hợp đều có liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim…) và tác nhân từ bên ngoài (đồ ăn, thuốc điều trị, stress…).

Sau đây là một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn chức năng nút xoang:

Rối loạn nhịp xoang thứ phát:

Có thể xảy ra do tổn thương hệ mạch vành sau phẫu thuật tim hoặc tắc mạch sau khi bị nhồi máu cơ tim. Ở trẻ em, hội chứng nút xoang có thể liên quan tới bệnh viêm cơ tim do virus hoặc bất thường ở động mạch nút xoang và nút nhĩ thất.

Rối loạn nhịp xoang tự phát (không do bệnh tim mạch gây nên):

Ở người cao tuổi là dạng rối loạn nhịp xoang thường gặp. Nguyên nhân là do cùng với tuổi tác, tình trạng xơ hoá nút xoang, xơ tâm nhĩ và hệ thống dẫn truyền của tim diễn tiến, dẫn tới những bất thường trong hoạt động dẫn điện của tim. Mặt khác, sự tạo nhịp của nút xoang có liên quan chặt chẽ tới điện thế và chênh lệch nồng độ canxi tại cơ tim. Vì vậy, tình trạng suy giảm hoạt động của kênh canxi theo tuổi tác cũng là một nguyên nhân có thể dẫn tới rối loạn nhịp  xoang.

Bệnh động mạch vành:

Được cho là một nguyên nhân phổ biến của rối loạn nhịp xoang, nó có thể làm thay đổi cấu tạo nút xoang thông qua sự xơ vữa động mạch nút xoang.

Yếu tố di truyền trong bệnh rối loạn nhịp xoang:

Rối loạn chức năng nút xoang có thể liên quan tới yếu tố gia đình. Một số gen di truyền điển hình gây ra căn bệnh này đã được khoa học tìm ra. Bên cạnh đó, một số dị tật bẩm sinh của tim như khuyết tật kênh natri, canxi… cũng gắn liền với hội chứng nút xoang mang tính gia đình.

Hội chứng nhịp tim nhanh - chậm hoặc rung nhĩ:

Có thể góp phần gây rối loạn chức năng nút xoang: nhịp tim nhanh, rung nhĩ làm giảm thời gian phục hồi nút xoang, tăng nhịp tim trung bình và tối đa; còn nhịp chậm tác động thông qua điện thế và kênh canxi ở nút xoang.

Bệnh tim khác:

Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, u tim, xơ cứng bì, bệnh rối loạn trương lực cơ… đều có thể gây rối loạn hoạt động nút xoang.

Thuốc điều trị:

Thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh calci, digoxin và một số loại thuốc chống loạn nhịp có thể làm rối loạn chức năng nút xoang như: digitalis, propranolol, verapamil, quinidin, procainamide, lidocaine, disopyramide, eserpine…
 

Một số thuốc điều trị có thể gây rối loạn nhịp xoang

Một số thuốc điều trị bệnh tim mạch có thể gây rối loạn nhịp xoang

Rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật:

Hội chứng nút xoang có thể xuất hiện ở những bệnh nhân ngất do tăng trương lực phó giao cảm hoặc tình trạng xoang động mạch cảnh quá mẫn.

Phẫu thuật tim và các bệnh liên quan tới tâm nhĩ phải:

Nhịp xoang có thể mất dần sau khi trải qua phẫu thuật Mustard, Senning (phục hồi lưu thông nhưng đảo ngược hướng của dòng máu trong tim ở bệnh nhân khiếm khuyết van tim hoặc mạch vành bằng cách cắt vách ngăn tâm nhĩ). Các phẫu thuật này có thể gây chấn thương nút xoang hoặc gây bất thường về huyết động (dòng máu tới tim) mạn tính.
Ở bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ kịch phát thường kèm theo rối loạn và mất dần nhịp xoang, sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong đột ngột.
Hội chứng nút xoang, nhịp nhanh thất có thể xuất hiện ở khoảng 15% bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật van động mạch chủ hoặc bệnh ở vùng tim bên trái.

Bệnh lý khác:

Bệnh thấp khớp cũng có thể gây rối loạn nhịp xoang. Nguyên nhân có thể do tăng áp lực nội sọ gây ảnh hưởng tới dây thần kinh phó giao cảm.
Bệnh nội tiết, chuyển hóa : Suy giáp và giảm thân nhiệt, sự mất cân bằng điện giải (hạ kali máu và giảm calci máu) cũng có thể góp phần gây rối loạn nhịp xoang.

Biến chứng của rối loạn nhịp xoang

Khi tim hoạt động không theo chu kỳ bình thường do lỗi phát nhịp từ nút xoang, tim sẽ không thể bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả. Điều này cũng rất dễ dẫn đến hội chứng nhịp tim chậm hoặc nhanh, gây ngất xỉu đột ngột. Nếu rối loạn nhịp tim diễn ra trong thời gian dài có thể làm cho cơ tim ngày càng yếu đi, đến khi không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gọi là suy tim.
Nếu bạn mắc hội chứng nhịp xoang hoặc rối loạn nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh, bạn sẽ có nguy cơ cao phát triển cục máu đông trong tim (huyết khối). Cục máu đông này có thể di chuyển vào mạch vành hoặc mạch não, dẫn đến đột quỵ.

Phải làm gì khi có dấu hiệu của hội chứng nhịp xoang?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng của nào hội chứng nút xoang, kể cả nhẹ hoặc thoáng qua thì nên theo dõi tần suất xuất hiện của chúng và sắp xếp 1 cuộc hẹn với bác sĩ. Bởi có rất nhiều trường hợp có hội chứng nút xoang nhưng không được chẩn đoán, cho đến khi nó ở giai đoạn nặng, có nguy cơ gây biến chứng mới được phát hiện.

Để chuẩn bị đi khám, bạn nên chú ý một số việc sau đây:

- Tìm hiểu xem bạn cần phải kiêng dùng thuốc, đồ ăn hay thức uống nào để tránh ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm chẩn đoán.

- Liệt kê các triệu chứng bạn gặp phải, thời gian và số lần xuất hiện, mỗi lần kéo dài bao lâu.

- Ghi lại các thông tin cá nhân chính, thói quen xấu (nếu có) như hút thuốc lá, uống rượu, và bất kỳ những thay đổi hoặc chấn động nào đã xảy ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bạn.

- Viết lại tình trạng sức khỏe, tiền sử mắc bệnh của gia đình (nếu có), các bệnh đang mắc phải và thuốc đang sử dụng.

- Nên đi cùng người thân để họ giúp bạn ghi nhớ lời khuyên của bác sỹ.

- Chuẩn bị các câu hỏi để hỏi bác sỹ như:
•    Những yếu tố nào có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
•    Có nguyên nhân nào khác cũng gây những triệu chứng này?
•    Tôi có cần phải điều trị nội trú?
•    Tôi có nên cấy máy tạo nhịp? Những rủi ro liên quan đến việc cấy máy tạo nhịp tim?
•    Tôi có thể tiếp tục hoạt động bình thường không?
•    Con của tôi hoặc người thân khác có nên được sàng lọc bệnh tim?
•    Tại Việt Nam hiện nay có thực phẩm hỗ trợ nào cho bệnh của tôi không?
Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị, đừng ngần ngại nếu bạn có thắc mắc khác cần hỏi bác sỹ trong khi khám bệnh.

 Nên hỏi gì bác sỹ khi đi khám bệnh tim mạch

Bạn đừng ngại hỏi bác sỹ khi khám bệnh

Bác sỹ sẽ hỏi bạn những gì khi đi khám?

Bác sỹ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, bạn cũng nên chuẩn bị những câu trả lời đúng trọng tâm để giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn. Bác sỹ có thể hỏi:
•    Các triệu chứng của bạn là gì?
•    Khi nào thì bạn bắt đầu có các triệu chứng này?
•    Các triệu chứng của bạn có tăng nặng lên theo thời gian?
•    Bạn có cảm giác đau đầu nhẹ hoặc chóng mặt không?
•    Bạn đã bao giờ bị ngất xỉu?
•    Bạn có thấy nhịp tim đập nhanh, rung trong lồng ngực không?
•    Gần đây bạn có chịu áp lực nào không? Có thấy cảm giác nặng nề, căng hay đau thắt ngực?
•    Khi tập thể dục hoặc làm việc gắng sức thì các triệu chứng có nặng hơn không?
•    Trong gia đình bạn có ai bị bệnh tim không?
•    Bạn có đang mắc bệnh gì không?

Xét nghiệm chẩn đoán rối loạn nhịp xoang

Xét nghiệm: Do bệnh lý tuyến giáp như cường giáp hoặc nhược giáp, sự mất cân bằng điện giải có thể gây nên hội chứng nút xoang nên xét nghiệm máu các chỉ số hormon tuyến giáp, điện giải trong huyết thanh (Na+, K+, Ca2+) có thể hữu ích trong chẩn đoán. Ngoài ra, các xét nghiệm miễn dịch, tế bào cũng có thể được chỉ định cho một số bệnh như lupus ban đỏ, viêm cơ tim tự miễn, u tim…

Siêu âm tim: Nên được sử dụng để phát hiện các vấn đề về van tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ hoặc rối loạn chuyển hóa ở tim (amyloid) gây rối loạn dẫn truyền điện tim. Phương pháp này cũng thích hợp cho việc đánh giá chức năng tâm thất và phát hiện các bất thường về huyết động học.

Tạo nhịp nhĩ qua thực quản: Là phương pháp tương đối an toàn và không tốn kém để phát hiện rối loạn nhịp xoang bằng cách xác định thời gian phục hồi nút xoang ở những bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt hoặc ngất và đánh trống ngực.

Điện tâm đồ: Giúp phát hiện và phân biệt các loại rối loạn nhịp tim, vị trí phát nhịp sai.

Đặt thiết bị theo dõi nhịp tim Holter: Ghi lại điện tâm đồ liên tục trong vòng 24 - 48 giờ, dù người được theo dõi có xuất hiện triệu chứng như chóng mặt, ngất, trống ngực… hay không. Vì vậy, phương pháp này có vai trò hữu ích trong việc đánh giá mức độ rối loạn nhịp xoang một cách khách quan nhất.
 

Thiết bị Holter được gắn vào cơ thể để theo dõi nhịp tim

Bạn có thể được gắn thiết bị Holter để theo dõi nhịp tim

Nghiên cứu điện sinh lý tim: Áp dụng cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim chậm có biểu hiện ngất bằng cách theo dõi thời gian phục hồi nút xoang và thời gian dẫn truyền xoang -  nhĩ.

Điều trị rối loạn nhịp xoang

Việc điều trị ở bệnh nhân có rối loạn chức năng nút xoang chỉ có hiệu quả nếu kết hợp giữa trị nguyên nhân, điều chỉnh các yếu tố bên ngoài và căn cứ vào triệu chứng thực tế:
- Ở những người vô tình phát hiện hội chứng nút xoang trong quá trình khám định kỳ nhưng không có triệu chứng của rối loạn nhịp xoang, việc điều trị là không cần thiết.
- Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc có thể gây rối loạn nhịp xoang như chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển..., thì nên dừng và đi khám lại để được đổi thuốc khác.
- Đối với rối loạn nhịp xoang cấp tính, điều trị bao gồm atropine tiêm tĩnh mạch mỗi 2-4 giờ và/ hoặc isoproterenol truyền tĩnh mạch. Có thể cấy máy tạo nhịp tim tạm thời nếu cần thiết.
- Ở những bệnh nhân rối loạn nhịp xoang nhanh, triệu chứng nhịp tim nhanh có thể được kiểm soát bằng thuốc chống loạn nhịp như digoxin, propranolol hay quinidine. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên bằng thiết bị Holter để đảm bảo rằng rối loạn nhịp tim không tiến triển nặng lên hoặc gây ra biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu, hay biến chứng suy tim sung huyết. Trong một số trường hợp, điều trị bằng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cũng được ưu tiên sử dụng.
- Ở những người loạn nhịp và ngất do tăng trương lực phó giao cảm cần phải can thiệp bằng thuốc điều trị.
- Bệnh nhân rối loạn nhịp xoang mạn tính và thường xuyên xuất hiện triệu chứng đánh trống ngực, ngất, hồi hộp, mệt mỏi… cần được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn.
- Phụ nữ mang thai có rối loạn nhịp xoang: Nếu phải dùng thuốc chống loạn nhịp nên có sự giám sát và điều chỉnh từ bác sỹ một cách thường xuyên. Ngoài ra, các thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi (như amiodarone liên quan tới rối loạn chức năng tuyến giáp của thai nhi) nên được thay thế.

Giải pháp kiểm soát rối loạn nhịp xoang

Dù bạn đã từng hay chưa bao giờ bị rối loạn nhịp xoang, bạn nên tạo cho mình lối sống lành mạnh ngay từ giờ phút này để phòng ngừa các triệu chứng, biến chứng của rối loạn nhịp xoang:
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm soát cân nặng và điều trị tốt các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hẹp hở van tim, suy tim), tiểu đường, cường giáp, lupus…
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế muối, đường, mỡ; tăng cường cung cấp vitamin từ các loại ra xanh, trái cây tươi.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thảo dược và hóa dược đã được sử dụng cho chứng rối loạn nhịp tim nói chung và rối loạn nhịp xoang nói riêng trong y học cổ truyền và y học hiện đại như Khổ sâm, Đan sâm, Taurine, L-carnitin, Magie.


DS. Lê Giang

Trích nguồn:
http://emedicine.medscape.com
http://www.mayoclinic.org
http://www.medicinenet.com


Thông tin cho bạn: TPCN Ninh Tâm Vương - giải pháp chứng rối loạn nhịp xoang


Ninh Tâm Vương giúp điều trị rối loạn nhịp xoang
TPCN Ninh Tâm Vương - giải pháp cho chứng rối loạn nhịp xoang

Với thành phần chính là khổ sâm, taurin, L-carnitin, magie, Thực phẩm chức năng Ninh Tâm Vương là giải pháp an toàn, hiệu quả cho các trường hợp rối loạn nhịp tim, trong đó có nhịp nhanh xoang, nhanh nhĩ, nhanh thất và ngoại tâm thu khi giúp ổn định nhịp tim, giảm hồi hộp, trống ngực, khó thở, mệt mỏi, choáng ngất và phòng ngừa các biến chứng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, đột quỵ tim, suy tim của rối loạn nhịp tim.

Thông tin liên hệ: Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Tây
Địa chỉ: 19A/126 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04 3540 6478 - 08 3977 1349
Website: ninhtamvuong.vn
Giấy phép quảng cáo số 589/2015/XNQC - ATTP

Sản phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh.