Bạn luôn uể oải, mắt nặng trĩu cả khi vừa ngủ dậy? Suốt buổi sáng bạn ngáp dài, đến chiều tình hình còn tệ hơn dù có ngủ trưa? Đó là biểu hiện của hội chứng mệt mỏi kéo dài.
Biểu hiện của hội chứng này rất dễ nhận thấy: Lúc nào bạn cũng mệt mỏi. Ban ngày đi làm thấy mệt đã đành, tối đến bạn cũng uể oải khi ăn cơm, rồi thiếp đi khi bộ phim bạn yêu thích trên tivi đang ở đoạn hấp dẫn nhất. Đi khám, bác sĩ nói bạn không có bệnh gì, chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn là sẽ khỏi. Và bạn thực sự lo lắng vì biết rằng nghỉ ngơi chẳng giúp ích gì, mỗi ngày bạn ngủ ít nhất 10 giờ đồng hồ đấy thôi.
Mệt mỏi là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh. Đó có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất của sự phiền muộn, ung thư, mất ngủ, thiếu máu, huyết áp thấp, nhiễm virus, bệnh lupus, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp, mất cân bằng tai trong, giảm glucoza huyết, tăng huyết áp, bệnh tim… Nhưng mệt mỏi kéo dài là cơn mệt mỏi suy kiệt không thể giải thích được, kéo dài trên 6 tháng và không do bất kỳ một bệnh tật thể xác tiềm ẩn nào gây ra.
Bệnh nhân bị hội chứng trên thường có cùng một lúc các biểu hiện như đau họng, sưng tuyến nước bọt, sốt nhẹ, đau cơ và đôi khi rối trí. Những triệu chứng này lúc có, lúc không gây khó chịu cho việc chẩn đoán. Vì mệt mỏi là một triệu chứng rất chung nên các bác sĩ thường cho rằng những người quá mệt mỏi là do họ làm việc nhiều hoặc do phiền muộn.
Về nguyên nhân gây ra mệt mỏi kéo dài, có một thuyết cho rằng đó là một sự rối loạn chức năng miễn dịch cụ thể kéo dài, bắt đầu bằng việc nhiễm virus. Người ta ngờ rằng virus epstein-ban, coxsackie là thủ phạm của hội chứng trên, nhưng vẫn chưa chứng minh được chắc chắn.
Một số nghiên cứu cho rằng, các stress lớn như ly hôn, mất việc làm, mất người thân… là khởi nguồn của hội chứng mệt mỏi kéo dài, do stress làm yếu hệ thống miễn dịch.
Một nghiên cứu mới của Mỹ đã bước đầu đem lại một chút ánh sáng về căn bệnh này
Các nhà khoa học đã đo huyết áp của 23 người bị mệt mỏi kéo dài và nhận thấy 22 người có bất thường trong việc điều chỉnh huyết áp: Tim họ đập chậm lại vào đúng lúc lẽ ra phải đập nhanh hơn. Chẳng hạn khi nhấc một vật nặng, tim bạn phải đập mạnh hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Nhưng ở những bệnh nhân mệt mỏi kéo dài thì ngược lại.
Điểm lạ thứ hai là khi cho bệnh nhân nghiêng một góc 70 độ so với sàn nhà để giả định đã đứng một lúc lâu, thì hầu hết bệnh nhân đều bị tụt huyết áp. Họ cảm thấy choáng váng, yếu, buồn nôn và mệt mỏi, bơ phờ nhiều ngày sau đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu phản ứng huyết áp thấp kể trên xảy ra nhiều lần trong ngày ở một mức độ nào đó có thể gây kiệt sức liên tục.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân trong nghiên cứu này đã được điều trị thành công bằng thuốc, tăng khẩu phần muối và nước để điều chỉnh huyết áp. 9 người đã hoàn toàn bình phục. 7 người thấy đỡ mệt hơn.
Theo các chuyên gia, bạn có thể bị hội chứng mệt mỏi kéo dài nếu có các dấu hiệu sau:
- Đột nhiên mệt mỏi triền miên, dai dẳng và không lý giải được.
- Dù đã nghỉ ngơi cũng không bớt mệt.
- Khó tập trung và ghi nhớ đến mức ảnh hưởng xấu đến năng lực làm việc.
- Đau các hạch bạch huyết ở cổ hoặc dưới cánh tay.
- Đau nhức các cơ nhưng không hề bị sưng hay tấy đỏ.
- Đau đầu dữ dội.
- Thức dậy sau một giấc ngủ dài cũng không thấy tỉnh táo hơn.
Cách điều trị hiện nay là làm giảm các triệu chứng. Chẳng hạn, dùng các thuốc chống viêm, giảm đau để điều trị cơn đau đầu và đau cơ; dùng thuốc chống phiền muộn để vực dậy tinh thần;tuy nhiên phương pháp này mới chỉ giúp bạn cải thiện được tình hình tạm thời.
Nên kiên trì tập thể dục thể thao, vật lý trị liệu, tập thở, chế độ dinh dưỡng đầy đủ… để thư giãn cơ bắp và tinh thần, nâng cao thể trạng sẽ giúp bạn thuyên giảm được hội chứng mệt mỏi này.
N.T (tổng hợp)